17 điều cần chuẩn bị trước khi mang thai vợ chồng cần biết

Chuẩn bị trước khi mang thai là việc làm mà các cặp vợ chồng cần phải biết để em bé được chào đời trong khỏe mạnh và vui vẻ. Vậy cần chuẩn bị gì trước khi mang thai? Đọc bài viết để có ngay câu trả lời nhé!

Ngoại trừ trường hợp có thai ngoài ý muốn thì khi có kế hoạch mang thai, cả bố và mẹ hãy chuẩn bị thật kỹ mọi thứ để chào đón sinh linh bé nhỏ thật hoàn hảo. Nhất là đối với những người mang thai lần đầu thì việc chuẩn bị này lại càng phải cẩn thận và tỉ mỉ hơn.

1/ Khám tiền sản: Khám tiền sản để biết người vợ có đang mắc bệnh gì không, các bệnh này có ảnh hưởng gì đến việc thụ thai hay không, kinh nguyệt không đều có thai không... Nếu có thì sẽ phải chữa trị trước khi mang thai. Đồng thời qua lần khám này, các bác sĩ sẽ tư vấn về có thai bao gồm ăn uống như thế nào, tập thể dục ra sao, tiêm phòng như thế nào…

2/ Ngưng các biện pháp tránh thai: Nếu bạn đang sử dụng các biện pháp tránh thai và muốn có thai thời gian này thì việc cần làm bây giờ chính là ngưng các biện pháp tránh thai.



3/ Ngưng các chất kích thích, độc hại: Nếu bạn là người nghiện rượu bia, thuốc lá và ma túy thì trước khi mang thai bạn sẽ phải chuẩn bị từ bỏ chúng. Bởi vì chúng là những nguyên nhân dẫn đến sinh non, sẩy thai hoặc em bé nhẹ cân. Không chỉ với người mẹ, mà cả bố cũng phải ngưng hoặc hạn chế vì chúng ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

4/ Giảm lượng cafe: Ghiền cafe là thói quen của rất nhiều người phụ nữ hiện nay. Trong khi đó cafe là yếu tố làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ. Vì vậy muốn có thai thì phụ nữ cần phải bỏ cafe hoặc hạn chế uống. Mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 200ml.

5/ Tránh môi trường độc hại: Nếu đang sống hoặc làm việc ở môi trường độc hại thì cả bố và mẹ nên chuyển đến một nơi trong lành trước khi mang thai. Môi trường sống không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi sau này.

6/ Đến gặp nha sĩ: Nghe có vẻ không liên quan nhỉ? Nhưng kỳ thực cuộc gặp này lại rất quan trọng. Bởi vì khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể sẽ thay đổi khiến bạn gặp các vấn đề về răng miệng. Gặp nha sĩ trước khi mang thai sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng này.


7/ Chế độ tập luyện: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thụ thai, vậy hãy thử bắt đầu xây dựng chế độ tập luyện xem sao. Thể dục thể thao đúng cách sẽ giúp bạn có được cơ thể khỏe mạnh, giảm căng thẳng và tăng khả năng thụ thai. Một số bài tập bạn có thể áp dụng như: yoga, aerobic, bơi lội, đi bộ…

8/ Kiểm soát cân nặng: Quá trình thụ thai sẽ diễn ra thuận lợi hơn ở những người có cân nặng phù hợp. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ có chỉ số cân nặng cao sẽ dễ gặp các biến chứng trong thời gian mang thai và khi sinh. Còn những người có chỉ số cân nặng thấp thì dễ sinh con nhẹ cân. Hãy hỏi bác sĩ tư vấn mang thai về cân nặng của mình như thế nào là phù hợp với bản thân nhé!

9/ Cẩn thận khi ăn cá: Không giống như ăn uống bình thường, chế độ ăn uống trước khi mang thai phải hết sức lưu ý. Nhất là cá - một loại thực phẩm có những thành phần gây hại cho cơ thể. Dĩ nhiên không phải mọi loại cá đều có hại, chỉ có những loại cá có chứa thủy ngân như cá thu, cá kiếm, cá ngừ… mà thôi.


10/ Tìm hiểu cách tính ngày rụng trứng: Ngày rụng trứng là thời điểm dễ thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng làm sao để biết ngày rụng trứng của chính mình? Hãy tìm hiểu cách tính ngày rụng trứng, dựa vào nhiệt độ cơ thể, chất nhầy cổ tử cung để biết ngày rụng trứng của mình.

11/ Chế độ ăn uống: Bên cạnh chế độ tập luyện thì cả vợ lẫn chồng phải thiết lập chế độ ăn uống mới. Không cần ăn quá nhiều nhưng phải ăn các món bổ dưỡng, lành mạnh. Đối với người mẹ, cần ăn nhiều trái cây, rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt, sữa tươi và sữa chua… Đối với người bố, nên ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, vitamin A và vitamin E, D - vì chúng là những chất dinh dưỡng giúp tinh trùng khỏe mạnh. Sau này khi có thai rồi, chế độ ăn uống cho bà bầu còn phải nghiêm ngặt hơn.

12/ Bổ sung axit folic: Không phải chờ đến khi mang thai mới bổ sung axit folic mà trước khi mang thai người mẹ đã phải làm điều này. Axit folic giúp giảm nguy cơ dị tật ở trẻ sơ sinh, giúp em bé chào đời khỏe mạnh. Tốt hơn hết, bạn nên hỏi bác sĩ về việc bổ sung axit folic để biết khi nào nên uống và uống bao nhiêu là đủ.


13/ Tìm hiểu bệnh di truyền: Cả bố và mẹ phải tiến hành xét nghiệm để xem mình mắc những căn bệnh nào có tính di truyền. Vì bệnh di truyền nên khả năng cao là em bé cũng sẽ được “truyền” căn bệnh này từ bố mẹ. Sau khi có kết quả, hãy làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ để có được điều tốt đẹp nhất cho đứa con của mình.

14/ Tiêm phòng trước khi mang thai: Một số virus khi tồn tại trong cơ thể mẹ có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, vì vậy mẹ cần loại bỏ chúng trước khi chào đón em bé. Trước khi mang bầu 3 tháng, mẹ nên hoàn thành các mũi tiêm quan trọng như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm mùa, viêm gan siêu vi B

15/ Những điều phải tránh: Ngoài tránh rượu, cafe, thuốc lá, chất độc hại… thì trước khi mang thai mẹ cần: tránh căng thẳng, buồn phiền, tránh làm việc quá sức, hạn chế mỹ phẩm, tránh bồi bổ quá mức…

16/ Chuẩn bị tài chính đầy đủ: Bên cạnh sức khỏe, tinh thần thì bố mẹ cần chuẩn bị tài chính đầy đủ để không phải lo lắng về tiền bạc trong suốt thời gian mang thai, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng trong suốt thời gian mang thai và sinh đẻ. Nên nhớ, lo lắng về tiền bạc cũng có thể là một trong những nguyên nhân không có thai mà ít ai ngờ đến đấy nhé!


17/ Sẵn sàng thôi: Nếu không phải là mang thai ngoài ý muốn, vậy thì cả bố và mẹ hãy cùng sẵn sàng tinh thần để chào đón sự xuất hiện của “thiên thần”. Bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Bố mẹ thật sự mong muốn có con rồi chứ? Bố mẹ đã biết làm bố, làm mẹ là như thế nào rồi chứ? Bố mẹ có cân đối được công việc với việc chăm con không? Em bé sau khi sinh ra sẽ được chăm sóc như thế nào?... Nếu đã sẵn sàng, vậy thì hãy chuẩn bị kế hoạch thật tốt để mang thai thôi!

>>> Xem thêm:
  • Những trường hợp có thai không ngờ tới
  • Có thai nhưng không có dấu hiệu gì
  • Dấu hiệu mang thai khi kinh nguyệt không đều

Nhận xét

Bài đăng phổ biến